Tin tức
Trang chủ » Tin tức » Tin nội bộ

Buồng khử khuẩn toàn thân di động: Sự kết hợp giữa y tế và khoa học kỹ thuật

  Thứ Tư, 25/03/2020 | 10:15 GMT+7

Nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp với Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) vừa thiết kế và chế tạo buồng khử khuẩn toàn thân di động. Có thể thấy các thầy cô giáo ĐHBK Hà Nội không chỉ đặt chữ "Tâm” trong mỗi bài giảng, giáo án mà luôn sẵn sàng tâm thế phối kết hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm đưa ra những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng.  

Buổi gặp gỡ đầu tiên để trao đổi về ý tưởng của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) và các thầy cô ĐHBK Hà Nội

Nhân dân cần gọi, Bách khoa Hà Nội đáp lời! 

Ngay từ đầu tháng 2/2020, khi dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, ý tưởng kết hợp một hệ thống di động có khả năng tích hợp các kỹ thuật sát khuẩn đã nhen nhóm trong các nhà khoa học của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế). Ngay lập tức, họ liên hệ với Trường ĐHBK Hà Nội - nơi các đơn vị nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau có thể phối hợp giải quyết các vấn đề kỹ thuật mà hệ thống đặt ra. 

Nhóm nghiên cứu đã được thành lập do TS. Nguyễn Thành Nhân - Viện Cơ khí, ĐHBK Hà Nội - làm trưởng nhóm, tập hợp các thành viên ở các Viện chuyên ngành khác như Viện KH&CN Môi trường, Viện Vật lý kỹ thuật và các kỹ sư mới ra trường cùng các em sinh viên tham gia. 

Mô hình buồng khử khuẩn toàn thân di động

Sau thời gian gấp rút suy nghĩ và tính toán thiết kế cùng với nỗ lực của cả tập thể, hệ thống máy khử khuẩn toàn thân di động kích thước nhỏ gọn, dễ di chuyển chính thức được "khai sinh". Hệ thống tích hợp các kỹ thuật khử khuẩn khác nhau, dựa trên các hướng dẫn của Bộ Y tế về quy trình sát khuẩn. Việc sát khuẩn tập trung vào nhóm vi khuẩn bám trên bề mặt như quần áo, giày dép, tóc, khuôn mặt hay đồ mang theo như túi xách nhằm giảm nguy cơ tiếp xúc của vi khuẩn. 

Theo PGS.TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (NOIEH), trên 90% các loại vi khuẩn, virus bám trên bề mặt quần áo, cơ thể và các vật dụng trên người bị loại bỏ hoàn toàn chỉ sau 30 giây đứng trong buồng khử khuẩn di động.

Việc đánh giá thử nghiệm đã và đang được NOIEH tiến hành theo các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn và quyết định 120/QĐ-BYT ngày 24/1/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành quy trình khảo nghiệm hóa chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Theo đó, buồng khử khuẩn toàn thân di động được đánh giá ở mức độ trung bình và đánh giá trên vi khuẩn gam (+), vi khuẩn gam (-) và vi khuẩn thông thường với tỷ lệ là 99%. Yếu tố di động của hệ thống cho phép di chuyển hệ thống được dễ dàng, tăng khả năng ứng dụng.  

Thầy trò Viện Cơ khí - ĐHBK Hà Nội trong những ngày đầu tiên chế tạo buồng khử khuẩn toàn thân di động. Ảnh: Viện Cơ khí

Tự tin làm chủ công nghệ 

PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: Với mô hình thử nghiệm buồng khử khuẩn toàn thân di động, các nhà khoa học Trường ĐHBK Hà Nội đã xác định được các chế độ làm việc của các khoang trong dây chuyền khử khuẩn về điều kiện vi khí hậu, nồng độ trung bình ozone trong khoang, chế độ phun sương, thời gian hoạt động. Thiết kế cấu trúc, kích thước, quy trình hoạt động của các khoang trong buồng cho phép đảm bảo hiệu quả của các kỹ thuật khử khuẩn. Bên cạnh đó, quy trình điều khiển hoạt động của dây chuyền cũng được thực hiện đồng bộ.  

Còn về mặt công nghệ, theo Thạc sỹ Lê Cao Cường -Thành viên trong nhóm, vẫn còn nhiều điểm có thể cải thiện - nhất là công nghệ tạo và duy trì độ ổn định của nồng độ ozone và phân bố ozone trong buồng khử khuẩn. Trong thời gian tới nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về các kỹ thuật như điều khiển tự động kết hợp với các kỹ thuật khác mà trong Trường ĐHBK hiện đang làm chủ để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống. 

Hệ thống buồng khử khuẩn được ứng dụng để diệt vi khuẩn ở tất cả các nơi có khả năng nhiễm khuẩn. Vì vậy có thể được đưa vào ứng dụng ở các nơi khác có yêu cầu sát khuẩn như bệnh viện, các khu vực cách ly, doanh nghiệp sản xuất có yêu cầu sạch như chế biến thực phẩm, dược phẩm. Hiện tại, hai buồng khử khuẩn đang được lắp đặt tại cổng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường. 

Các thầy cô giáo ĐHBK Hà Nội truyền lửa ứng dụng khoa học phục vụ cộng đồng cho sinh viên

Không chỉ cùng nhau làm việc nhóm, vận dụng nghiên cứu liên ngành, các giảng viên còn truyền lửa cho sinh viên, dìu dắt thế hệ trẻ tiếp nối mạch nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Cựu sinh viên Lương Văn Luân - chuyên ngành Cơ Điện Tử, K60 - hào hứng chia sẻ: "Em vừa tốt nghiệp sớm một kỳ, được thầy cô gọi vào nhóm chế tạo mô hình cùng các bạn sinh viên năm cuối. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, chúng em đã vận dụng những kiến thức đã được học ở trường bao gồm cả lý thuyết và thực hành để thiết kế, chế tạo thành công hệ thống ngay ở version đầu tiên. Cả nhóm đã ăn, ngủ cùng mô hình, luôn trao đổi bàn bạc  để cải tiến công nghệ nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động tin cậy và hiệu quả hơn, thời gian hệ thống điều khiển được thiết kế tối ưu hơn...” 

Hiện tại hệ thống buồng khử khuẩn toàn thân di động đã được nhóm nghiên cứu trường ĐHBK Hà Nội chuyển giao cho Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường. Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường sẽ có trách nhiệm phối hợp với các doanh nghiệp đưa mô hình thử nghiệm thành các sản phẩm hoàn thiện với đầy đủ các chứng nhận cũng như giấy phép sử dụng của ngành y tế. Việc đưa vào sản xuất nếu có các doanh nghiệp đồng hành sẽ đưa ra sản phẩm tốt với chi phí hợp lý để phục vụ cộng đồng.  

Chuyên gia nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Kiên Trung lưu ý: Dù là hệ thống đã được thiết kế hoạt động tự động, tuy nhiên trong dây chuyền vẫn cần được kiểm soát trong quá trình vận hành vẫn cần có một nhân lực được hướng dẫn và theo dõi, hướng dẫn sử dụng đúng quy trình. Vì vậy hệ thống khuyến cáo không dùng cho quy mô gia đình. Với cộng đồng nhỏ cũng cần có đảm bảo quy trình như trên.

"Đây là một mô hình thử nghiệm được phát triển trên cơ sở đổi mới sáng tạo của trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm đưa các sản phẩm hữu ích đến với cộng đồng. Trường ĐHBK Hà Nội vẫn tiếp tục tiến hành các nghiên cứu mang tính chuyên sâu và cải tiến hệ thống, sẵn sàng đồng hành với các đơn vị của Bộ Y tế trong công tác phòng và chống dịch bệnh thời gian tới” – TS. Nguyễn Thành Nhân - Trưởng nhóm nghiên cứu. 


Nguồn: https://www.hust.edu.vn/tin-tuc/-/asset_publisher/AKFI5qRls1e8/content/buong-khu-khuan-toan-than-di-ong